Vụ phá rừng phòng hộ ở Lâm Đồng: Đôn đốc điều tra làm rõ sau khi báo chí đưa tin
“Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với địa phương kiên quyết điều tra làm rõ, tìm đối tượng phá rừng phòng hộ tự nhiên mà báo chí phản ánh vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra tại tiểu khu 132, trên địa bàn xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương ngày 9/11 vừa qua”.
Đó là phát biểu của ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tại “Hội nghị toàn quốc về công tác quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ năm 2020 và tổng kết quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại thành phố Đà Lạt, ngày 11/11.
Cùng ngày 11/11, Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương cho biết: Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo huyện, Hạt Kiểm lâm, Công an huyện, Viện Kiểm sát cùng cấp và đơn vị chủ rừng tổ chức khám nghiệm hiện trường, tiếp tục điều tra truy tìm thủ phạm cưa hạ rừng trái luật tại khu vực tiểu khu 132, xã Đạ Sar, như thông tin TTXVN đã phản ánh ngày 9/11/2020.
Trước đó, báo cáo nhanh của Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương về việc xác minh phản ánh thông tin của phóng viên TTXVN về vụ phá rừng trái pháp luật xảy ra tại tiểu khu 132, xã Đạ Sar, cho thấy: Có tới 6 vị trí rừng bị tàn phá, diện tích rừng bị tác động trên 6.700m2, với 94 cây thông 3 lá và một cây dẻ rừng đã bị cưa hạ trái pháp luật, thiệt hại lâm sản hơn 141m3.
Diện tích rừng bị tàn phá thuộc đối tượng rừng phòng hộ và là rừng tự nhiên, tại các lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thủy điện và Du lịch sinh thái Thác Rồng quản lý nhận khoán bảo vệ; thời điểm kiểm tra chưa xác định được đối tượng vi phạm.
Liên quan vụ việc, ngày 9/11/2020, Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng cũng có văn bản số 580/Kl-TTPC về việc “tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định vụ phá rừng tại khu vực tiểu khu 132, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, theo nội dung báo chí phản ánh”.
Theo đó, yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương và Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng số 1 tiếp tục phối hợp với cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an huyện Lạc Dương), Ban quản lý rừng phòng hộ Đa Nhim, UBND xã Đạ Sar và các cơ quan chức năng huyện Lạc Dương xác minh, thu thập chứng cứ; xây dựng kế hoạch điều tra, truy tìm đối tượng thực hiện hành vi phá rừng trái pháp luật để xử lý nghiêm theo quy định, báo cáo kết quả cho Chi cục Kiểm lâm trước ngày 13/11/2020.
Cùng với đó, Chi cục Kiểm lâm yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị chủ rừng quản lý chặt chẽ hiện trường để khôi phục rừng, không để tình trạng lấn, chiếm trồng cây nông nghiệp…
Trước đó, ngày 9/11/2020, TTXVN đã thông tin khu rừng tự nhiên, thuộc đối tượng rừng phòng hộ đầu nguồn, chủ yếu là thông 3 lá tại khu vực tiểu khu 132, xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) bị các đối tượng dùng cưa máy “triệt hạ” hơn 100 cây.
Sau khi báo chí phản ánh, lãnh đạo huyện Lạc Dương cùng các đơn vị liên quan đã tổ chức kiểm tra hiện trường, xác minh thông tin báo nêu rừng bị phá là có thật. Nhưng diện tích rừng bị tác động, cây rừng bị cưa hạ theo báo cáo nhanh của huyện chưa thể hiện hết hiện trường vụ phá rừng mà báo chí đã thông tin.
Theo ghi nhận tại hiện trường (bằng máy phim, hình ảnh) cây thông mới bị cưa hạ, lá vẫn xanh tươi. Vụ việc được Ban quản lý rừng phòng hộ rừng Đa Nhim đã lập Biên bản kiểm tra số 03672/BBKT ngày 5/11/2020, nhưng ngày 9/11/2020 mới chuyển về Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương.
Các diện tích rừng bị phá thuộc lâm phần hai đơn vị quản lý bảo vệ là Ban quản lý rừng phòng hộ Đa Nhim và Công ty trách nhiệm hữu hạn Thủy điện và Du lịch sinh thái Thác Rồng. Tổng diện tích vụ phá rừng nghiêm trọng này là hơn 6.760 m2 làm thiệt hại gần 100 cây thông ba lá, rừng phòng hộ tự nhiên.
Cụ thể, tại lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ Đa Nhim quản lý có khoảng 1.200 m2 với 38 cây thông ba lá bị cưa hạ, khối lượng hơn 67m3 gỗ. Ngoài ra, tại diện tích rừng do Công ty trách nhiệm hữu hạn Thủy điện và Du lịch sinh thái Thác Rồng quản lý đã có trên 5.560m2 đất rừng bị phá trái phép, 57 cây bị cắt hạ.
Nguồn: copy